Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2008

Chủ nghĩa xã hội và khoa học

Kỳ III: Chủ nghĩa xã hội và khoa học

F.A. HayekĐinh Tuấn Minh dịch

VII.
Việc thuyết phục những người theo CNXH rằng hoạch định tập trung là phi hiệu quả tốn rất nhiều thời gian. Những người hoạt động thực tiễn có lẽ sẽ chấp nhận điều này chẳng cần bằng lý lẽ mà chỉ cần qua việc nhìn vào ví dụ cảnh báo về hệ thống kiểu Nga-Xô; tuy nhiên, các lý thuyết gia đương đại chỉ chầm chậm thoái lui khỏi cái lập trường quan điểm được tạo dựng bởi các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx và được tiếp nối duy trì bởi những lý thuyết gia hàng đầu cho tới tận cách đây chỉ khoảng độ 50 năm. Cho dù thế, ở một mức độ nào đó họ đã cố ý tạo ra cái ấn tượng rằng họ đã đánh bại đầy thuyết phục những đợt công kích dữ dội của những kẻ phê phán thù địch, do họ đã từ bỏ hết lập trường này đến lập trường khác để đưa ra những giải pháp mới hơn cho vấn đề.

Chủ nghĩa xã hội và khoa học

Kỳ II: Chủ nghĩa xã hội và khoa học


F.A. HayekĐinh Tuấn Minh dịch
IV.

Vậy bây giờ cho phép tôi đóng vai nhà mô phạm. Tôi sẽ cố gắng chỉ ra một cách chính xác những loại xét đoán giá trị nào có khả năng chấp nhận được trong thảo luận khoa học và những loại nào thì không thể. Khởi điểm của chúng ta phải là một chân lý logic (logical truism): từ các tiền đề logic chứa đựng chỉ những mệnh đề về nhân-quả, chúng ta sẽ không thể suy ra được các kết luận về điều chúng ta phải làm. Một mệnh đề [thuần túy nhân – quả] như thế sẽ chẳng dẫn đến bất kỳ một hành động nào chừng nào chúng ta vẫn không biết (hay không đồng ý) đâu là những hậu quả đáng muốn và không đáng muốn [của hành động]. Nhưng một khi chúng ta đưa vào cùng các tiền đề logic ban đầu của chúng ta bất kỳ một mệnh đề nào về tầm quan trọng hay mức độ nguy hại của các mục đích hay hậu quả khác nhau của hành động, thì chúng ta có thể rút ra các chuẩn mực khác nhau thuộc mọi chủng loại đòi hỏi hành động phải tuân thủ. Chúng ta rõ ràng chỉ có thể bàn luận nghiêm túc về các vấn đề xã hội với những người mà chúng ta cùng có chung ít nhất một số giá trị. Tôi nghi ngờ liệu chúng ta có thể thực sự hiểu biết ai đó nói gì nếu như chúng ta không chia sẻ những giá trị chung nào đó với anh ta.

Chủ nghĩa xã hội và khoa học

Kỳ I: Chủ nghĩa xã hội và khoa học [*]
By tqvn2004
Created 2007-10-29 07:50
Tóm tắt của dịch giả: Thuyết phục những người theo chủ nghĩa xã hội (CNXH) rằng dự án kinh tế - chính trị của họ là sai lầm thực sự là một công việc khó khăn. Vấn đề ở đây không phải nằm ở chỗ những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân không thể đưa ra được những lý giải khoa học xác đáng mà lại nằm ở chỗ những người theo CNXH không muốn nghe những lý giải đó bởi vì họ tin rằng họ có những hệ giá trị khác. Trong bài luận này Hayek chỉ ra rằng thực ra tất cả chúng ta, bất kể thuộc phe phái nào, đều chia sẻ những niềm tin cơ bản, cụ thể là (i) niềm tin vào trách nhiệm cá nhân và (ii) niềm tin vào việc duy trì một trật tự hoà bình dựa trên một số các qui tắc trừu tượng để các cá nhân trao đổi được với nhau. Nếu những người theo CNXH cũng đồng ý như vậy, thì dự án xây dựng CNXH, dù là theo kiểu hoạch định tập trung hay theo kiểu chính phủ can thiệp vào thị trường vì lợi ích của của một giai cấp nào đó, không tránh khỏi việc dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Sau những lập luận ngắn gọn và sâu sắc của mình, Hayek kết luận: “Về mặt đạo đức, CNXH không thể tạo dựng mà chỉ phá hủy nền tảng của tất cả các giá trị đạo đức: tự do và trách nhiệm cá nhân. Về mặt chính trị, nó sớm hay muộn dẫn tới chính phủ toàn trị. Về mặt vật chất, nó sẽ làm tổn hại đáng kể quá trình tạo ra của cải, nếu không muốn nói, nó là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo trên thực tế”.