Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

Đường về nô lệ ( 2)

Friedrich A. von Hayek
Đường về nô lệ
Phạm Minh Ngọc dịch
Tại sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?

Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mĩ sẽ khác rất xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hoá được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hi vọng có được những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng. Có nhiều lí do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị nói trên là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra.

Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ kế hoạch, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị, những kẻ vô liêm sỉ thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và nền văn minh cá nhân chủ nghĩa phương Tây.

Đường Về Nô Lệ (1)

riedrich A. von Hayek
Đường về nô lệ
Phạm Minh Ngọc dịch
Lời người dịch: Tác phẩm Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) xuất bản ở Anh vào tháng 3 năm 1944 và sáu tháng sau, tức là ngày 18 tháng 9 năm 1945, thì được ấn hành ở Mĩ. Phiên bản xuất hiện trên tạp chí The Reader’s Digest, được giới thiệu dưới đây, ra đời vào tháng 4 năm 1945 dưới tiêu đề “Một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong thế hệ chúng ta” đã góp phần đưa Hayek trở thành nhân vật danh tiếng và công trình của ông trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Mĩ từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1945. Người dịch hoàn toàn đồng ý với Lawrence Frank khi ông viết trên tạp chí Saturday Review of Literature vào tháng 5 năm 1945 rằng bản rút gọn “có phần sắc sảo hơn” cả chính văn, và xin được giới thiệu với độc giả talawas.