Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2008

Chủ nghĩa xã hội và khoa học

Kỳ I: Chủ nghĩa xã hội và khoa học [*]
By tqvn2004
Created 2007-10-29 07:50
Tóm tắt của dịch giả: Thuyết phục những người theo chủ nghĩa xã hội (CNXH) rằng dự án kinh tế - chính trị của họ là sai lầm thực sự là một công việc khó khăn. Vấn đề ở đây không phải nằm ở chỗ những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân không thể đưa ra được những lý giải khoa học xác đáng mà lại nằm ở chỗ những người theo CNXH không muốn nghe những lý giải đó bởi vì họ tin rằng họ có những hệ giá trị khác. Trong bài luận này Hayek chỉ ra rằng thực ra tất cả chúng ta, bất kể thuộc phe phái nào, đều chia sẻ những niềm tin cơ bản, cụ thể là (i) niềm tin vào trách nhiệm cá nhân và (ii) niềm tin vào việc duy trì một trật tự hoà bình dựa trên một số các qui tắc trừu tượng để các cá nhân trao đổi được với nhau. Nếu những người theo CNXH cũng đồng ý như vậy, thì dự án xây dựng CNXH, dù là theo kiểu hoạch định tập trung hay theo kiểu chính phủ can thiệp vào thị trường vì lợi ích của của một giai cấp nào đó, không tránh khỏi việc dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Sau những lập luận ngắn gọn và sâu sắc của mình, Hayek kết luận: “Về mặt đạo đức, CNXH không thể tạo dựng mà chỉ phá hủy nền tảng của tất cả các giá trị đạo đức: tự do và trách nhiệm cá nhân. Về mặt chính trị, nó sớm hay muộn dẫn tới chính phủ toàn trị. Về mặt vật chất, nó sẽ làm tổn hại đáng kể quá trình tạo ra của cải, nếu không muốn nói, nó là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo trên thực tế”.



I.
Chủ nghĩa xã hội (CNXH) có quan hệ với khoa học trên nhiều khía cạnh. Có lẽ, mối quan hệ nhạt nhẽo nhất hiện nay là mối quan hệ mà chủ nghĩa Marx bám rễ vào tấm biển "chủ nghĩa xã hội khoa học". Theo học thuyết này chủ nghĩa tư bản (CNTB) chắc chắn sẽ phát triển thành CNXH xuất phát từ [mâu thuẫn] trong lòng của nó và nằm ngoài tác động chủ quan của con người. Điều này có thể vẫn quyến rũ một số tín đồ mới, nhưng hầu hết những người có đầu óc sáng suốt thuộc các trường phái khác nhau đã không còn quan tâm tới nó. Bề ngoài, những người theo CNXH trông cứ như thể họ tin rằng việc chuyển tiếp từ CNTB sang CNXH sẽ xảy ra nhờ qui luật tất yếu của sự tiến hoá xã hội. Nhưng họ dĩ nhiên không hành động theo thứ niềm tin đó. Hiện nay có rất ít người còn tin vào sự tồn tại của bất kỳ "qui luật lịch sử" nào. Dĩ nhiên, kinh nghiệm thực tiễn đã bác bỏ các dự đoán của Marx về sự phát triển của CNTB nói riêng. Khía cạnh quan hệ tiếp theo là thiên hướng của các bộ óc được đào tạo trong các ngành khoa học tự nhiên, cũng như của các kỹ sư, những người ưa thích kiểu hình thành trật tự một cách có chủ ý hơn là trật tự được phát triển một cách tự phát; đây là một lối suy nghĩ dễ được chấp nhận và phổ biến, và nó thường thu hút các trí thức vào các chương trình hành động theo đường lối CNXH. Đây là một hiện tượng quan trọng, xuất hiện rộng rãi, và ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển tư duy chính trị. Tuy thế, tôi đã nhiều lần bàn đến ý nghĩa của những lối suy nghĩ này. Tôi gọi lối suy nghĩ theo kiểu của các nhà khoa học tự nhiên đối với vấn đề xã hội là "chủ nghĩa duy khoa học" (scientism) và theo kiểu của các kỹ sư là "chủ nghĩa kiến dựng” (constructivism). Ở đây, tôi không cần thiết phải lật lại những vấn đề đó nữa.[*1]

II.
Thay vì vậy, điều mà tôi muốn trình bày ngày hôm nay là thủ đoạn độc chiêu được đa số những người theo CNXH sử dụng để bảo vệ các học thuyết của họ chống lại những phê phán khoa học. Họ cho rằng những khác biệt giữa các học thuyết của họ và các học thuyết của các đối thủ thuộc về bản chất, và do vậy các phản bác khoa học là không có giá trị. Trên thực tế, họ thường thành công trong việc tạo ra cảm tưởng rằng mọi vận dụng khoa học để chỉ trích các đề cương theo CNXH đều ipso facto [từ định nghĩa – ND] mang thiên kiến chính trị vì là sự khác biệt giữa các học thuyết của họ và của những đối thủ của họ hoàn toàn bắt nguồn từ sự khác biệt về các chuẩn mực giá trị – điều cấm kị trong các nguyên tắc làm khoa học –, và vì thế, thậm chí sẽ là khiếm nhã nếu mang chúng ra tranh luận khoa học. Hai trải nghiệm sau đây khiến tôi không còn kiên nhẫn thêm được nữa với những luận điệu này. Trải nghiệm thứ nhất mà tôi tin là không chỉ xảy ra với riêng tôi. Bản thân tôi cũng như đa số những nhà kinh tế học đương thời theo chủ nghĩa tự do cá nhân đều đã đến với kinh tế học khởi nguồn từ niềm tin ít nhiều vào CNXH, hoặc ít nhất là bất mãn với xã hội hiện tại, khi còn trai trẻ. Nhưng chính việc nghiên cứu kinh tế đã khiến chúng tôi trở thành những người chống CNXH quyết liệt nhất. Trải nghiệm thứ hai là: những khác biệt không thể dung hoà giữa tôi và các nhà kinh tế học theo CNXH về các vấn đề cụ thể liên quan đến các chính sách xã hội rốt cục lại không phải là những khác biệt về giá trị mà là những khác biệt về mức độ tác động đối với xã hội của những chính sách cụ thể. Đúng là trong các cuộc tranh luận đó chúng tôi thường kết thúc với những khác biệt về cường độ ảnh hưởng mà các chính sách khác nhau gây ra. Đối với vấn đề này, cả hai phái thường phải trung thực thừa nhận rằng họ đều không có được lập luận thuyết phục hoàn toàn. Có lẽ tôi cũng phải thừa nhận rằng xác tín của tôi vào sự ủng hộ của đại chúng đối với lập trường của tôi mạnh mẽ ngang bằng với của những đối thủ của tôi đối với lập trường của họ.

III.
Mặc dù vậy, khi khảo sát lịch sử các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng về các đề cương của những người theo CNXH, chúng ta tìm thấy vô số bằng chứng rõ ràng rằng không chỉ các phương pháp được những người theo CNXH cổ xuý không thể nào đem đến được cái mà họ hứa hẹn mà ngay cả những giá trị khác nhau mà họ muốn hướng tới thông qua bất kỳ một cách thức khả dĩ nào đó cũng không thể nào đồng thời thành hiện thực được cùng một lúc, bởi vì những giá trị đó mâu thuẫn lẫn nhau. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách xem xét vấn đề thứ hai vì có vẻ nó thú vị hơn ở thời điểm hiện tại của cuộc bàn luận; Việc làm sáng tỏ nó có tác dụng xoá tan một số nhầm lẫn thịnh hành liên quan đến việc cho rằng việc đưa các xét đoán giá trị vào trong thảo luận khoa học là không thể chấp nhận. Những nhầm lẫn này thường được sử dụng để biện hộ rằng các lập luận khoa học chống lại CNXH là không hợp lệ hoặc đáng ngờ về mặt khoa học. Một xem xét như thế làm nảy sinh các câu hỏi quan trọng và thú vị, mà không hiểu sao đã bị phớt lờ, về khả năng giải quyết về mặt khoa học đối với các các niềm tin đạo đức. Các nhà kinh tế học, mà công việc hàng ngày của họ là phân tích các loại xung đột giá trị, mà đòi hỏi phải được giải quyết liên tục trong tất cả các hoạt động kinh tế, đã tỏ ra nhút nhát khi phải đối mặt trực diện và hệ thống với nhiệm vụ này. Cứ như thể họ sợ làm vấy bẩn lên toà lâu đài pha lê khoa học của họ khi bước quá các câu hỏi về nhân-quả hay khi đánh giá mang tính phê phán về mức độ đáng muốn của các chính sách đại chúng nhất định nào đó. Họ thường khăng khăng cho rằng họ chỉ có thể đơn thuần “đặt ra các giả định” về các giá trị mà không cần xem xét tính hợp lệ của chúng. (Tuy nhiên, chừng mực nào mà người ta vẫn còn giả định rằng các chính sách vì lợi ích của một số nhóm cứ như thể là “bị thiệt thòi” là tốt đẹp thì các khu vực nghiên cứu như thế vẫn còn bị bỏ qua.) Thực sự ở điểm này chúng ta cần phải hết sức cẩn thận, và thậm chí phải hơi mô phạm một chút, khi lựa chọn hình thức trình bày, bởi vì tồn tại một hiểm hoạ thực sự nếu vô tình đưa các xét đoán về giá trị một cách không hợp lệ vào trong tranh luận khoa học, và cũng bởi vì những người bảo vệ các lý tuởng CNXH giờ đây hầu như đã học được cách thức sử dụng chiêu bài “giải phóng khỏi các xét đoán về giá trị” ('freedom from value judgments') như là một thứ cơ chế bảo vệ cho sự nghịch lý trong tín ngưỡng của chính họ, và họ liên tục để mắt để chộp các chỉ trích trình bày theo một số hình thức thiếu cẩn trọng. Còn có trò hề nào không được đưa ra nữa đối với một số đoạn trong tác phẩm của nhà phê phán CNXH vĩ đại nhất, Ludwig von Mises, rằng tại đó ông đã mô tả CNXH là “không thể”; hiển nhiên Mises chỉ muốn nói rằng các giải pháp mà CNXH đề xuất không thể nào đạt được cái mà chúng dự định đạt được khi tiến hành! Tất nhiên chúng ta có thể cứ thử tiến hành theo một cách nào đó, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu một nỗ lực nào đó như thế có tạo ra các kết cục đáng muốn mà nó đã đề xuất hay không. Không còn nghi ngờ gì nữa đấy là một câu hỏi khoa học.

_________________________

[*] Bài phát biểu tại phân nhánh Canberra của Hội kinh tế Úc và New Zealand ngày 19/10/1976. In lại trong Nishiyama C. and K. Leube (eds.) (1984), The Essence of Hayek, Standford, CA:Hoover Institution Press, pp. 114-127. [*1] Cụ thể là Hayek đã trình bày những vấn đề này trong cuốn The Counter-Revolution of Science: Studies on the Abuse of Reason, Liberty Fund: Indeanapolis, 1979[1952]. Độc giả trong nước có thể xem chương 14 có tiêu đề “Sự lạm dụng và suy tàn của lí trí” của Ebenstein, A. (2007), Friedrich Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp, Lê Anh Hùng dịch, NXB Tri thức. [Chú thích của người dịch]

Không có nhận xét nào: