Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2008

Chủ nghĩa xã hội và khoa học

Kỳ II: Chủ nghĩa xã hội và khoa học


F.A. HayekĐinh Tuấn Minh dịch
IV.

Vậy bây giờ cho phép tôi đóng vai nhà mô phạm. Tôi sẽ cố gắng chỉ ra một cách chính xác những loại xét đoán giá trị nào có khả năng chấp nhận được trong thảo luận khoa học và những loại nào thì không thể. Khởi điểm của chúng ta phải là một chân lý logic (logical truism): từ các tiền đề logic chứa đựng chỉ những mệnh đề về nhân-quả, chúng ta sẽ không thể suy ra được các kết luận về điều chúng ta phải làm. Một mệnh đề [thuần túy nhân – quả] như thế sẽ chẳng dẫn đến bất kỳ một hành động nào chừng nào chúng ta vẫn không biết (hay không đồng ý) đâu là những hậu quả đáng muốn và không đáng muốn [của hành động]. Nhưng một khi chúng ta đưa vào cùng các tiền đề logic ban đầu của chúng ta bất kỳ một mệnh đề nào về tầm quan trọng hay mức độ nguy hại của các mục đích hay hậu quả khác nhau của hành động, thì chúng ta có thể rút ra các chuẩn mực khác nhau thuộc mọi chủng loại đòi hỏi hành động phải tuân thủ. Chúng ta rõ ràng chỉ có thể bàn luận nghiêm túc về các vấn đề xã hội với những người mà chúng ta cùng có chung ít nhất một số giá trị. Tôi nghi ngờ liệu chúng ta có thể thực sự hiểu biết ai đó nói gì nếu như chúng ta không chia sẻ những giá trị chung nào đó với anh ta.



Dù sao thì điều này cũng có nghĩa là, xét về mặt thực tiễn, trong bất kỳ cuộc bàn luận nào, trên nguyên tắc, chúng ta đều có khả năng chỉ ra được một số trong những chính sách mà một ai đó cổ xuý không nhất quán hay không không thể dung hoà được với một số giá trị niềm tin nhất định nào đó của anh ta. Điều này dẫn tôi đến việc phải phân tích sự khác biệt cơ bản giữa các thái độ chung về các vấn đề đạo đức, điều được xem như là nét đặc trưng của các bên tham gia tranh luận chính trị hiện nay. Kẻ theo phe bảo thủ tin rằng có các giá tuyệt đối và nói chung khoan khoái bám chặt vào chúng. Một mặt tôi cảm thấy ghen tị với họ về sự khoan khoái đó thì mặt khác tôi không thể chia sẻ với họ về những niềm tin đó. Đấy là số phận của nhà kinh tế muốn tiếp tục đương đầu với các xung đột thực sự về giá trị; thực ra thì việc phân tích cách thức giải quyết các xung đột này chính là trách nhiệm nghề nghiệp của y. Các xung đột mà tôi muốn nhắc tới ở đây không phải là những loại xung đột khá hiển nhiên giữa các giá trị mà những cá nhân khác nhau sở đắc, hay những sự khác biệt giữa những hệ thống các giá trị cá nhân, mà là những xung đột và thiếu khuyết bên trong hệ thống các giá trị của bất kỳ cá nhân nào. Quả là rất khó khăn khi phải đối diện với sự thực rằng hoàn toàn không có những giá trị tuyệt đối, nhưng chúng ta vẫn bắt buộc phải thừa nhận điều đó. Ngay cả bản thân mạng sống của con người cũng chẳng phải là một cái gì đó có giá trị tuyệt đối. Chúng ta vẫn liên tục sẵn sàng hy sinh, và bắt buộc phải hy sinh một cái gì đó, vì một số những giá trị khác cao hơn, ngay cả khi cái phải hy sinh là mạng sống của một con người để cứu được mạng sống của nhiều người khác. (Ở đây có một điểm thú vị mà rất tiếc tôi không thể xem xét được. Mặc dù có lẽ chúng ta không bao giờ tự cho phép mình hủy hoại một mạng người cụ thể, thì chúng ta lại liên tục đưa ra những quyết định mà chúng ta biết rằng sẽ dẫn đến cái chết của một số người mà chúng ta không quen biết). Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, những người theo chủ nghĩa tự do chân chính chứ không phải là những người theo chủ nghĩa xã hội màu hồng (pink socialists), (những người mà Josef Schumpeter mô tả là “cảm thấy sung sướng không thể kìm nén vì nghĩ rằng việc họ lựa chọn nhãn hiệu này là một hành động sáng suốt”), không sa vào thái cực đối nghịch mà những người theo CNXH rơi vào: Những người theo CNXH tin rằng họ có thể xây dựng được một hệ thống đạo đức hoàn toàn mới nào đó theo kiểu họ mong muốn mà không cảm thấy e ngại gì cả, vì rằng hệ thống mới này hứa hẹn đem lại hạnh phúc lớn hơn cho con người (tuy nhiên, trên thực tế họ đơn thuần rơi về các bản năng ban sơ kế thừa từ xã hội nguyên thủy). Mặc dù người theo chủ nghĩa tự do cá nhân nhất thiết phải khẳng định rằng mình có quyền xem xét một cách phê phán mọi giá trị hay qui tắc đạo đức đơn lẻ của xã hội mình đang sống, thì anh ta cũng biết rằng anh ta có nghĩa vụ làm điều này và có thể làm được điều đó trong khi vẫn chấp nhận hầu hết các giá trị xã hội khác của xã hội hiện tại như là những thứ có sẵn hầu có thể đạt được mục đích xem xét lại từng giá trị kia. Khi xem xét lại cái giá trị mà anh ta nghi ngờ anh ta luôn phải cân nhắc đến tính tương hợp của nó với phần còn lại của hệ thống các giá trị đang thịnh hành. Thực ra thì nhiệm vụ [xem xét lại các giá trị] đạo đức của chúng ta là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để giải quyết các xung đột đạo đức, hoặc để bổ sung những cái còn thiếu vào trong những khoảng trống trong kho tàng đạo đức của chúng ta – và chúng ta chỉ có thể đảm đương được trách nhiệm đó nếu như chúng ta cố gắng hiểu được sự tồn tại của cái trật tự hòa bình và của các nỗ lực điều chỉnh tương hỗ; đấy là cái giá trị tối cao mà hành xử đạo đức của chúng ta cố gắng vun đắp. Các qui tắc đạo đức của chúng ta phải liên tục được kiểm nghiệm lẫn nhau, và nếu cần thì điều chỉnh để tương hợp lẫn nhau, nhằm loại bỏ những xung đột trực tiếp tồn tại giữa những qui tắc khác nhau, và cũng nhằm bắt chúng phục vụ việc duy trì cái trật tự khả dĩ để cho con người hành động.

V.
Nhiệm vụ [xem xét lại các giá trị] đạo đức là nhiệm vụ mang tính cá nhân, và tiến bộ về mặt đạo đức đạt được trong một số cộng đồng là nhờ các thành viên của các cộng đồng đó áp dụng những qui tắc mà có khả năng bảo tồn tốt hơn và đem lại lợi ích chung cao hơn cho nhóm của mình. Tiến bộ đạo đức đòi hỏi sự thử nghiệm cá nhân; cụ thể là, trong một khuôn khổ có giới hạn các qui tắc trừu tượng bắt buộc phải tuân thủ, cá nhân được tự do sử dụng tri thức của chính mình để theo đuổi các mục đích của riêng mình. Sự phát triển của cái mà chúng ta gọi là nền văn minh thực chất chính là nhờ cái nguyên lý này, rằng một người phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính mình và các hậu quả của chúng, và rằng anh ta có quyền tự do theo đuổi các mưu cầu do chính mình đặt ra thay vì phải tuân thủ sự sai bảo của lãnh tụ của cộng đồng nơi anh ta là thành viên. Đúng là những niềm tin đạo đức của chúng ta, như tôi đã cố gắng chỉ ra đâu đó trước đây, đôi khi vẫn còn khá kỳ cục, khiến chúng ta phải phân biệt giữa những thói quen bản năng kế thừa từ xã hội tiền sử, và những qui tắc hành xử đúng đắn (the rules of just conduct), làm tiền đề cho sự tồn tại của xã hội mở. Nhưng tính chất đạo đức của sự chịu trách nhiệm cá nhân của người trưởng thành đối với phúc lợi của bản thân và gia đình của anh ta vẫn luôn là nền tảng cho hầu hết các xét đoán đạo đức về hành vi. Do vậy, nó là một khuôn khổ không thể tách rời đối với sự vận hành hòa bình của bất kỳ xã hội phức tạp nào. Như vậy là tồn tại những niềm tin cơ bản – cụ thể là niềm tin vào trách nhiệm cá nhân và vào khuôn khổ các qui tắc trừu tượng chung giúp chúng ta tôn trọng hành động của những người khác; chúng là cơ sở để xây dựng các qui tắc đạo đức của chúng ta, và nếu chúng ta không chấp nhận chúng thì chúng ta chẳng thể tiến hành được bất kỳ một cuộc đối thoại nào về các vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, các niềm tin cơ bản đó không thể nào tương thích được với đòi hỏi của những người theo CNXH về một sự tái phân phối thu nhập bằng vũ lực do chính quyền thực hiện. Không có bất kỳ một phân tích khách quan nào, dù được coi khoa học hay không, lại có thể có chút mảy may nghi ngờ về điều này. Một nhiệm vụ tái phân phối [bằng vũ lực] cụ thể như vậy, mà dưới con mắt của một chính quyền nào đó là vì các phẩm hạnh hoặc nhu cầu của những người khác nhau, là phi đạo đức; điều này không đơn giản là bởi vì tôi nói thế, mà là bởi vì nó xung đột với các giá trị đạo đức nền tảng nhất định mà những người cổ vũ nó cũng chia sẻ. Tất nhiên, xuất phát từ thực tế là các hệ thống đạo lý được chấp nhận rộng rãi đã không đưa ra được các giải pháp có sức thuyết phục cao cho các xung đột về các giá trị mà chúng ta không thể phủ nhận là luôn nảy sinh trong lĩnh vực này khiến cho đòi hỏi về việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề chính trị nảy sinh ở đây, và cho việc đánh giá đạo đức đối với việc sử dụng biện pháp cưỡng ép để áp đặt một giải pháp nào đó, trở trành một đòi hỏi bức xúc nhất.

VI.
Việc hoạch định kinh tế dựa theo chủ nghĩa tập thể – nền tảng tư tưởng được sử dụng trước đây để biện minh cho việc tiến hành quốc hữu hóa các phương tiện “sản xuất, phân phối, và trao đổi” – không tránh khỏi sự dẫn tới chế độ toàn trị man rợ. Lý lẽ này đã được chấp nhận tương đối rộng rãi ở phương Tây kể từ khi tôi phân tích quá trình này ở một mức độ khá chi tiết trong cuốn The Road to Serdom [Con đường dẫn tới nô lệ – ND] hơn 40 năm trước đây. Tôi không rõ đấy có phải là một phần lý do, hay là bởi vì những người theo CNXH ngày càng nhận ra được tính phi hiệu quả không thể khắc phục được của hoạch định tập trung, khía cạnh mà tôi sẽ đề cập đôi chút dưới đây, hay đơn giản là vì họ đã phát hiện ra rằng biện pháp phân phối thông qua việc đánh thuế nhắm vào các khoản thu nhập tài chính là một phương pháp dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn để đạt được mục tiêu của mình; nhưng, dù là vì lý do gì thì các đảng phái xã hội chủ nghĩa ở phương Tây ngày này hầu như đã từ bỏ hoàn toàn các yêu sách hai năm rõ mười là rất nguy hại này về một nền kinh tế tập trung. Những người cánh tả kiên định ở một số quốc gia, và các đảng cộng sản, vẫn tiếp tục gây sức ép đòi hỏi điều này, và dĩ nhiên, có lẽ sớm hay muộn gì họ cũng sẽ giành được quyền lực. Nhưng, những nhà lãnh đạo được xem là ôn hòa, những người hiện tại lèo lái hầu hết các đảng phái xã hội chủ nghĩa ở các nước thuộc thế giới tự do, đã trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua những cơ quan truyền thông nhân danh họ, tuyên bố rằng họ – với tư cách là những nhà dân chủ chân chính – xứng đáng được [nhân dân] tin tưởng để ngăn chặn bất kỳ xu hướng tiến triển nào như thế. Nhưng liệu họ có thể làm được điều đó? Tôi không có ý nghi ngờ thiện chí tốt đẹp của họ. Tuy nhiên, tôi lại rất nghi ngờ khả năng kết hợp mục tiêu của họ về vấn đề tái phân phối tài sản dựa hoàn toàn vào chính phủ với mục tiêu duy trì, xét trong dài hạn, mức độ tự do cá nhân tối thiểu, ngay cả khi họ thành công trong việc duy trì các hình thức dân chủ. Đúng là sự thay thế chủ nghĩa xã hội lạnh (cold socialism) đã làm nguội đi cái quá trình mà tôi đã dự đoán là chủ nghĩa xã hội nóng (hot socialism) sẽ dẫn đến. Nhưng liệu rốt cục nó có thể tránh được những hậu quả giống như của chủ nghĩa xã hội nóng? Có những lý do rất đáng kể để nghi ngờ khả năng chủ nghĩa xã hội lạnh tránh được chúng. Để thành công, các chính phủ đồng thời sẽ phải (i) duy trì sự vận hành của các thị trường, tức cho phép sự tồn tại của môi trường cạnh tranh ở mức độ sao cho xác định được các mức giá cho tất cả các sản phẩm và các yếu tố sản xuất, những cái đóng vai trò như là những chỉ dẫn tin cậy phục vụ quá trình sản xuất, và (ii) can thiệp ở mức độ tương tự chí ít tới các mức giá lao động (hiển nhiên bao gồm cả những người làm trang trại và ‘tự sử dụng lao động của mình’) nhằm thỏa mãn các đòi hỏi về mức thu nhập công bằng hay bình đẳng (just or equitable remuneration). Thỏa mãn hoàn toàn cả hai đòi hỏi này là việc bất khả. Các chính phủ có thể tìm cách hướng tới một loại giải pháp thỏa hiệp nào đó, và họ cố gắng tránh áp dụng các biện pháp can thiệp gây phương hại đến sự tồn tại của thị trường nếu như họ đã đáp ứng được ở mức độ nhất định những áp lực mạnh mẽ nhất. Nhưng những chính phủ muốn bệ đỡ việc duy trì các yếu tố tất-phải-có của thị trường, sau khi khởi động việc điều tiết các kết quả của thị trường vì quyền lợi của những nhóm người nhất định nào đó, rõ ràng đang bệ đỡ một dự án chính trị bất khả thi. Một khi các đòi hỏi can thiệp vào thị trường để ưu đãi những nhóm người cụ thể nhất định dần được mọi người nhận ra, một chính phủ dân chủ không thể từ chối đáp ứng các đòi hỏi tương tự của bất kỳ những nhóm nào khác mà nó cần đến những lá phiếu của họ. Mặc dù quá trình có lẽ diễn ra từ từ, một chính phủ bắt đầu kiểm soát giá cả nhằm đảm bảo các nhãn quan đại chúng về công bằng sẽ có xu hướng trượt dần tới kiểm soát toàn bộ các loại giá cả; và, vì điều này tất phá hủy sự vận hành của thị trường, nên kết cục cuối cùng sẽ vẫn là một nền kinh tế bị định hướng tập trung. Ngay cả khi các chính phủ cố gắng tránh không sử dụng kiểu hoạch định tập trung như thế làm công cụ, thì nếu như họ vẫn kiên định mục tiêu tạo ra sự phân phối thỏa đáng họ tất sẽ bị đẩy đến việc sử dụng định hướng tập trung như là một loại công cụ duy nhất nhằm có thể thực hiện đuợc việc kiểm soát toàn bộ quá trình phân phối thu nhập (nhưng lại không khiến hệ thống trở nên công bằng) – và do đó bị đẩy tới hình thành một hệ thống về cơ bản là toàn trị.

Không có nhận xét nào: